Tổng số bài gửi : 5 ĐIỂM : 21 Voted : 0 Join date : 20/10/2011 Age : 29 Đến từ : Hưng Trung- Hưng Nguyên- Nghệ An
Tiêu đề: Bài Tham Luận: Nguyễn Trường Tộ - Học Và Hành 11/6/2011, 5:43 pm
Tham luận của Lm. FX Võ Thanh Tâm tại Hội thảo khoa học "Nguyễn Trường Tộ – Khát vọng canh tân đất nước" ngày 10/11/2008, TP Vinh, Nghệ An. Kính thưa Quý vị đại biểu.
Hôm nay được vinh dự về đây góp một vài ý kiến nhỏ vào cuộc Hội thảo về thân thế và sự nghiệp của nhà cải cách yêu nước Nguyễn Trường Tộ, cho phép tôi được gửi tới toàn thể Quý vị lời chào trân trọng và đầy tình thân ái.
Kính thưa Quý vị,
Bài tham luận của tôi hôm nay chỉ có ý nhấn mạnh và nói thêm một ít điểm cần nói về con người và sự nghiệp của nhà chí sĩ Nguyễn Trường Tộ.
I/ Về trình độ Hán văn và Pháp văn Cách học và óc thực tế nhanh nhạy của Nguyễn Trường Tộ.
Nhìn vào cuộc đời của tiên sinh ai cũng thấy là vắn vỏi. Theo giáo sư Lê Thước viết trên báo Nam Phong số 102 tháng 01 năm 1926 thì Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1828, Minh Mạng năm thứ 9. Còn theo Linh mục tiến sĩ sử học Trương Bá Cần thì Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1830 trong một gia đình theo đạo Công giáo ở làng Bùi Chu (nay thuộc xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) và mất ngày 22 tháng 11 năm 1871. Nếu đúng như Trương Bá Cần xác định theo lời ghi của cụ Nguyễn Trường Cửu là con trai duy nhất của Nguyễn Trường Tộ thì ông chỉ thọ 41 tuổi. Nhưng giá trị của những bậc kỳ tài đâu phải đo bằng số năm tháng sống ở đời như lời nhà thơ Corneille người Pháp đã viết: "Aux âmes bien neés, la valeur n'attend pas le nombre des anneés".
Chúng ta có thể nói việc học của Nguyễn Trường Tộ không kéo dài quá năm 1860 vì từ năm này cho đến năm 1871 là quãng thời gian nhẹ về "học" nặng về "hành", bởi trong quãng thời gian này ông đã liên tục dâng lên triều đình Tự Đức 58 bản điều trần dài vắn khác nhau. Nói rõ hơn, khi Nguyễn trường Tộ 30 tuổi, việc học của ông đã khá được định hình. Một người 30 tuổi mà đã có một vốn Hán văn phi thường. Ông không đỗ đạt gì cả mà viết điều trần bằng Hán văn một cách thông thạo, đúng luật lệ, rõ ràng, duyên dáng khiến các vị khoa bảng của triều đình Huế bấy giờ cũng phải kính phục. Đến như cụ Huỳnh Thúc Kháng hoàng giáp, thủ khoa thi hương, thi hội, chỉ thi đình mới đỗ thứ ba mà cũng nhận là Nguyễn Trường Tộ có lối viết Hán văn khúc chiết và rắn rỏi.
Còn việc đọc và hiểu Hán văn của Nguyễn trường Tộ như thế nào? Xin lấy một ngành thiên văn làm thí dụ soi sáng để hiểu rõ vấn đề này. Trong bài tựa sách Đàm thiên luận – di thảo số 58 – Nguyễn Trường Tộ đã trình bày một số kiến thức về thiên văn học như nhìn một vì sao thì chắc chắn có góc sai – tốc độ truyền đi của ánh sáng – sức hút giữa các thiên thể – quỹ đạo của một số thiên thể – so sánh vận tốc của sao Thuỷ và sao Hỏa v.v... Các tên sách ông dùng như Hồn thiên thuyết, Cổ kim giao thực viễn kính thuyết, Tinh đồ đại trắc, Giao thực lịch chỉ, Hằng tinh lịch chỉ, Trắc thiên ước thuyết v.v... và các tên người ông đã dẫn như Ca Bạch Ni (chỉ Copernic), Nại Đoan (chỉ Newton), Khắc Bạch Nhĩ (chỉ Kepler) nói với ta rằng Nguyễn Trường Tộ đã tiếp thu những kiến thức thiên văn học qua các tân thư Hán văn là chính. Và ông đã rất am tường Hán văn.
Nhìn lại các thầy dạy Hán văn mà Nguyễn Trường Tộ đã thụ giáo ta chỉ thấy có bốn khuôn mặt. Đó là ông Nguyễn Quốc Thư, thân sinh, dạy ông lúc nhỏ trong gia đình, rồi đến thầy Tú Giai ở Bùi Ngọa, thầy Cống Hữu ở Kim Khê và quan huyện Địa Linh về hưu ở Tân Lộc. Dù 4 người ấy có trình độ cao và ngón sư phạm tuyệt với đến đâu cũng không thể trang bị cho ông những kiến thức khoa học đa dạng và mới mẽ như ta thấy trong các bản điều trần của ông. Thế thì ta phải nói như thế nào trong trường hợp này? Ta phải kết luận rằng đây là một "bộ óc thần đồng" học một biết mười, chả thế mà nhân dân đã từng gọi ông là "Trạng Tộ". Đây là một trí tuệ sáng suốt, chẳng những biết tự học trong sách vở mà còn biết học trong thực tế của cuộc sống, trong công tác, trong giao tiếp, biết "góp sắc muôn phương thu hương muôn gió", biết chắt lọc tích luỹ những kiến thức của thiên hạ đưa về làm giàu cho kho kiến văn của đất nước mình.
Về vốn Tây học của Nguyễn Trường Tộ thì cũng do tự học là chính. Chúng ta chưa từng nghe nói Nguyễn Trường Tộ đã theo học ở một trường Pháp chính quy nào ngoài việc ông được Giám mục Ngô Gia Hậu (Gauthier) ở Xã Đoài dạy cho ít nhiều Pháp văn. Nói "ít nhiều" vì mục vụ bề bộn của Đức Cha Hậu đâu cho phép Ngài có thời giờ rảnh để dạy miết cho cậu thanh niên giáo dân thuộc giáo họ Bùi Chu này! Nhưng một khi bập bỏm nói được tiếng Pháp, ông đã trau dồi môn sinh ngữ này nhờ việc đọc sách báo, nhờ việc giao tiếp với các giáo sĩ Pháp ở Hồng Kông, ở Poulo Pénang, ở Singapore, ở Hội truyền giáo nước ngoài Paris... là những nơi ông từng có dịp qua đó. Thế rồi từng chút, từng chút, con chim dệt nên cái tổ đẹp, chẳng bao lâu Nguyễn Trường Tộ đã có một vốn Tây học khả quan và trình độ Pháp văn của ông đã đến mức năm 1861 ông có thể nhận phiên dịch các tài liệu chữ Hán cho Pháp vì ông vừa thông Hán vừa thạo Pháp văn.
Điều chúng ta cần chú ý là Nguyễn Trường Tộ đã không học theo lối học từ chương xưa cũ để rồi vơ vẫn cùng phong, hoa, tuyết, nguyệt... Ông vứt bỏ không thương tiếc lối học ấy mà đi theo lối học thực dụng, lấy thực tiến cuộc sống làm đối tượng. Ông từng nói: "Học những gì thực tế thì sẽ có thực dụng, học những cái vụn vặt thì chỉ được cái vụn vặt, trồng đậu, được đậu, đó là lẽ tự nhiên". (Trương Bá Cần – Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, trang 75). Ông đề nghị cải cách giáo dục, đem vào chương trình học và thi cử các môn nông nghiệp, thiên văn, địa lý, bách khoa, luật học v.v... Ông cũng đề nghị soạn lại sách giáo khoa và gửi sinh viên đi các nước học ngoại ngữ và các khoa học hiện đại.
Để hiểu thêm về óc thực tế nhanh nhạy của Nguyễn Trường Tộ tôi xin phép kể lại hai mẩu chuyện sau đây:
Chuyện thứ nhất. Linh mục Nguyễn Trường Tín (đã qua đời) là cháu đích tôn của Nguyễn Trường Tộ được Đức Cha Trần Hữu Đức chọn làm thư ký Toà Giám Mục giáo phận Vinh (gồm 3 tỉnh Nghệ-Tĩnh-Bình). Thời ấy ít ra là cứ bốn năm Đức Giám Mục phải đi kinh lý các giáo xứ một lần. Dịp ấy Đức Giám Mục đi kinh lý giáo xứ Bố Sơn (xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) có linh mục Nguyễn Trường Tín tháp tùng. Giáo dân xứ Bố Sơn đã làm một cái song loan đẹp để kiệu Đức Giám Mục từ giáo xứ này sang giáo xứ Làng Nam (xã Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An). Hai giáo xứ này cách nhau chừng 4 cây số. Giám Mục Trần Hữu Đức là người rất bình dân, chân đi dép lốp, đầu đội mũ lá, bận một chiếc áo chùng thâm viền tím rất đơn sơ. Ngài không ưng được người ta kiệu đi hoặc đón rước long trọng. Khi kinh lý Bố Sơn xong đã đến lúc Đức Giám Mục phải đi sang giáo xứ khác là Làng Nam, ông Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ Bố Sơn nói với linh mục Nguyễn Trường Tín: "Nhờ cha thưa với Đức Giám Mục để Ngài chịu lên song loan cho chúng con rước đi". Linh mục Nguyễn Trường Tín nói với các vị trong Hội đồng mục vụ: "Tôi đề nghị các vị cứ khiêng song loan tới đặt ở đoạn đường hẹp đằng kia. Hai bên đường là ruộng lầy cả, tôi chắc Đức Giám Mục không muốn lên song loan cũng phải lên". Các ông đã làm đúng như lời linh mục Nguyễn Trường Tín đề nghị. Lúc ấy chung quanh Đức Giám Mục giáo dân quây quần đông nghịt để đưa chân tạm biệt. Đức Giám Mục vừa chống can vừa đi bộ vì Ngài cũng đã có tuổi rồi. Đi đến đoạn đường hẹp, Đức Giám Mục cứ chần chừ không chịu lên song loan. Bấy giờ linh mục Nguyễn Trường Tín thưa: "Xin Đức Cha bước lên song loan vì ở đây hai bên đường toàn là ruộng lầy cả, không thể nào lội được. Nếu Đức Cha không ưng ngồi song loan cho người ta khiêng thì qua đoạn đường này sẽ xin liệu phương tiện khác". Để tránh khỏi cảnh ùn tắc do giáo dân xô đẩy nhau, Đức giám mục Trần Hữu Đức mới chịu bước lên song loan. Và khi người ta đã khiêng song loan lên vai rồi thì đố ai bảo họ dừng lại dọc đường được. Sự kiện này cách đây hơn 40 năm rồi mà tôi còn nhớ rõ như hôm qua. Hôm ấy giáo dân ai cũng bảo nhờ "mẹo" của cha Thư ký Nguyễn Trường Tín mới không uổng công làm song loan.
Chuyện thứ hai. Cách đây chừng 35 năm, hôm ấy là ngày chủ nhật của tuần Chầu lượt giáo xứ Bố Sơn (xã Nghi Vạn, Nghi Lộc, Nghệ An), linh mục Trần Văn Sáng là quản hạt Xã Đoài tới Bố Sơn làm chủ tế Thánh lễ, còn tôi và 5 linh mục khác đóng vai đồng tế. Linh mục Sáng là người mực thước, giữ thời giờ rất nghiêm chỉnh. Đúng 7 giờ kém 15 phút ngài ra nhà thờ Bố Sơn mặc lễ phục để chuẩn bị hành lễ. Còn sáu anh em linh mục chúng tôi đang ngồi uống cà-phê tại nhà khách xứ đường Bố Sơn. Bỗng một người giúp việc từ nhà thờ nhanh chân chạy vào nói vội: "Cha quản hạt cho con vào kính mời các cha ra bận lễ phục để kịp khai lễ vào lúc 7 giờ". Chúng tôi đang nhấm nháp cà-phê với linh mục Nguyễn Trường Tín, bỗng ngài đứng lên nói như truyền lệnh: "Các cha ai dùng đồng hồ tay thì yêu cầu lùi lại 15 phút!". Rồi ngài đứng lên ghế cao đưa tay quay kim phút nơi chiếc đồng hồ lớn treo trên tường cho nó lui lại 15 phút rồi nói với chúng tôi bằng một câu người Pháp quen nói: "Hâtez-vous lentement!", có nghĩa là "các bạn hãy làm nhanh, nhưng đừng hấp tấp vội vàng!". Đến 7 giờ 05 phút chúng tôi mới kéo nhau ra nhà thờ bận lễ phục và tới 7 giờ 15 phút mới khai lễ. Trưa hôm ấy tại bàn cơm xứ đường Bố Sơn linh mục quản hạt Trần Văn Sáng nói: "Tôi phê bình các cha không giữ đúng giờ, sáng nay khai lễ chậm mất 15 phút". Linh mục Nguyễn Trường Tín đáp: "Thưa cha quản hạt chúng con theo đồng hồ địa phương ạ!". Linh mục Trần Văn Sáng nhìn lên đồng hồ treo tường của xứ đường Bố Sơn thấy chậm hơn đồng hồ tay của ngài 15 phút, thế rồi ngài không nói thêm gì nữa. Các linh mục đồng tế hôm ấy ai cũng nói nhờ "mẹo" của cha Nguyễn Trường Tín anh em mới có đủ thì giờ uống xong tách cà-phê.
Qua hai câu chuyện vừa kể về linh mục Nguyễn Trường Tín và dựa vào di truyền học, chúng ta hiểu thêm được phần nào về óc thực tế và sự phản ứng nhanh nhạy của Nguyễn Trường Tộ là ông nội của ngài.
II/ Nguyễn Trường Tộ thông biết những môn gì?
Nếu danh từ "nhà bác học" dùng để chỉ những người biết một môn khoa học tường tận hoặc đồng thời biết nhiều môn khá tinh thông thì Nguyễn Trường Tộ của chúng ta quả đúng gọi là NHÀ BÁC HỌC. Đúng như ông nói trong bài Trần tình (di thảo số 3) : "Về việc học thì không môn nào tôi không để ý tới, cái cao cả của thiên văn, cái sâu của địa lý, cái phiền toái của nhân sự, cho đến luật lịch, binh quyền, tạp giáo, dị nghệ, các môn cách trí, thuật số, không môn nào tôi không khảo cứu, nhất là để ý nghiên cứu về sự thế dọc ngang tan hợp trong thiên hạ". Nguyễn Trường Tộ là người của thực tiễn, từ việc xây dựng nhà cửa, thành quách cũng như sửa chữa máy móc, thăm dò quặng mỏ, khơi lạch đào kênh cho tới việc vẽ bản đồ, hướng dẫn học sinh thực tập về bách nghệ... ông nói đều biết cả. Những nhận định của ông về tình hình chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự thế giới cũng như về con người và đất nước ta đều chuẩn xác cả. Người các nước cũng có kẻ đa tài và biết rộng như Leonardo da Vinci của Ý (1452-1519). Ông không chỉ là họa sĩ trứ danh mà còn là nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sĩ, kỹ sư cơ khí, nhà khoa học thực nghiệm và cũng là triết gia nữa. Nhưng so về các mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự, quốc phòng... chưa dễ Vinci đã vượt qua được Nguyễn Trường Tộ của chúng ta. Nguyễn Trường Tộ không chỉ biết có văn, từ, thơ, phú mà còn là một tay xây dựng có biệt tài, một kiến trúc sư giỏi. Ông đã vẽ đồ án và điều khiển công trình xây cất tu viện Thánh Phaolô ở Sài Gòn, khởi công từ tháng 9 năm 1862 và hoàn thành ngày 18/07/1864. Công trình xây cất tu viện này gồm có nhà ở, nhà nguyện, viện mồ côi. Ngày nay du khách ngược dòng sông đến Sài Gòn ai cũng phải chú ý đến ngọn tháp kiểu gô-tích duyên dáng vút lên trên nền trời cao thẳm.
Ở Nghệ An này ông đã giúp xây dựng khu vực Nhà chung Xã Đoài gồm có nhà Đức giám mục, nhà nguyện và nhà tràng La Tinh hình chữ thập quen gọi là nhà Tây vì nó cao 3 tầng (kể cả tầng trệt) và được xây dựng theo kỹ thuật Tây. Qua chiến tranh bom đạn tàn phá nhưng nhà này vẫn còn và vẫn giữ được dáng kiểu do Nguyễn Trường Tộ thiết kế. Đã một thế kỷ rưỡi đi qua mà bây giờ đứng ngoài nhìn vào ngôi nhà này vẫn thấy hoành tráng và vững vàng với hệ thống tường ngoài dày hơn 60 cm. Ở trong nhà này mùa hè cảm thấy mát và mùa đông đỡ lạnh, tất cả các phòng đều có một hoặc hai mặt tiếp xúc với khí trời và ánh sáng tự nhiên.
Ở Nghệ An này ông còn quy hoạch lại làng Xuân Mỹ là quê mẹ, đưa làng ấy từ chỗ thấp lầy, bẩn thỉu lên đồi cao ráo sạch sẽ hơn. Chính ông đã vẽ đường, phân lô cho các hộ ở rộng thoáng, văn minh.
Ngày 19/06/1866 Tổng đốc Nghệ An Hoàng Tá Viêm đã viết thư mới Nguyễn Trường Tộ giúp cho việc đào Kênh Sắt là đoạn nối sông Cấm với sông Vinh. Sông này được khởi công đào từ thời Cao Biền, về sau thời Hồ Quý Ly lại làm tiếp nhưng không xong vì dưới đất lắm đá ngầm đành phải bỏ dở. Nguyễn Trường Tộ đã cắm mốc lại cho, bảo cứ theo đó mà đào và cuối cùng đã thành công tốt đẹp.
Nguyễn Trường Tộ luôn thao thức với việc canh tân đất nước. Ông luôn quan tâm tới vấn đề chính trị, ngoại giao, quân sự, quốc phòng và cả những vấn đề khác như nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, kinh tế, tài chính, giáo dục, đời sống văn hóa, công tác xã hội v.v...
Từ 1861 đến 1871 ông đã liên tiếp gửi lên triều đình vua Tự Đức 58 bản điều trần – Điều trần là bản trình bày ý kiến của mình gửi lên nhà cầm quyền. Giữ lại được đến bây giờ các bản ấy có thể gọi là di thảo. Có bản là cả một luận văn dài như Thiên hạ đại thế luận, Khai hoang từ, Tế cấp bát điều, có bản vỏn vẹn chỉ có hai trang, trả lời hoặc góp ý cho một vấn đề nào đó như việc mua thuyền máy hoặc các vật dụng sứ bộ phải mang theo...
Khi Nguyễn Trường Tộ điều trần một vấn đề gì thì ông viết, ông bàn đến nới đến chốn, qua đó chúng ta thấy được sự tận tâm và nhất là tình yêu thiết tha của ông đối với nước nhà. Ví dụ trong di thảo số 5: Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh (Dụ tài tế cấp bẩm từ = Lục lợi từ) ông đã kể ra các phương pháp: làm thuốc nổ, đúc súng, đúc kim loại, khai thác mỏ, đẩy mạnh các môn cơ học, quang học, hóa học... Ông đề nghị Nhà nước khai thác các nguồn lợi về thuỷ hải sản, lâm sản, nông sản. Để có sức mạnh chống lại Pháp ông đề nghị bắt tay với Anh để làm suy yếu Pháp. Ông nhắc lại câu nói của vua Đạo Quang nhà Thanh: "Cái kế hay nhất để đánh địch không gì bằng lấy địch đánh địch". Ông trình bày 6 điều lợi lớn:
Thứ nhất: Nhờ kẻ khác để ngăn chặn họ (= Pháp) Thứ hai: Xui kẻ khác gây sự với họ Thứ ba: Nhờ người khác để ly gián họ Thứ tư: Nhờ nước khác lấy danh nghĩa mà áp chế họ Thứ năm: Nhờ các nước để đề phòng các nước Thứ sáu: Dùng người khác để đánh họ.
Có những việc ông đề nghị phải làm gấp, không nên chần chừ, như được trình bày trong di thảo số 27: Tám việc cần làm gấp (Tế cấp bát điều, ngày 15/11/1867):
1/ Xin gấp rút sửa đổi việc võ bị 2/ Xin hợp tỉnh, huyện để giảm bớt số quan lại và khóa sinh 3/ Xin gây tài chính bằng cách đánh thuế xa xỉ 4/ Xin đổi học thuật, chú trọng thực dụng 5/ Điều chỉnh thuế ruộng đất 6/ Sửa sang lại cương giới 7/ Nắm rõ dân số 8/ Lập Viện Dục Anh và Trại tế bần
Điều đáng cho chúng ta lưu ý là giữa lúc nhân dân cũng như vua quan Việt Nam đang chìm đắm trong những tư duy trì trệ và bảo thủ thì Nguyễn Trường Tộ đã biết vận dụng những hiểu biết uyên thâm của mình qua sách vở Nho giáo cộng với những nhận thức mới mẽ về nền kinh tế, văn hóa và xã hội Tây phương để đề xuất hàng loạt những kiến nghị canh tân nhằm cải biến xã hội Việt Nam lúc bấy giờ còn yếu kém và lạc hậu.
Những lời điều trần ấy đến bây giờ vẫn còn là tiếng chuông cảnh tỉnh thôi thúc chúng ta phải tiến nhanh, tiến kịp và vượt qua các nước tiền tiến trong cộng đồng thế giới hôm nay để xây dựng một tổ quốc Việt Nam thật sự phú cường và tốt đẹp.
Để kết thúc bài tham luận này tôi muốn được nhắc lại những dòng giáo sư Phan Ngọc đã viết trong lời tựa cuốn "Nguyễn Trường Tộ – Thời thế và duy cách tân" của nhà sử học Hoàng Thanh Đạm: "Nguyễn Trường Tộ là con người duy nhất ở Việt Nam qua 58 bản di thảo đã trình bày một nhận thức đầy đủ về tình hình Việt Nam, những bất lợi của nó trước tình hình mới và những biện pháp để thay đổi tình hình về mọi mặt chính trị, ngoại giao, học thuật, kinh tế, quân sự, văn hóa. Cho đến nay, sau 150 năm, cũng không có mấy người nêu lên được một bản trình bày tổng quan đầy đủ như vậy. Bản tổng quan của Nguyễn Trường Tộ là hiện đại theo phương pháp luận hiện đại... Con người Nguyễn Trường Tộ là hiện đại và tấm gương Nguyễn Trường Tộ là hình ảnh của con người nghị lực vô song, tin vào khoa học, vào khả năng hoán cải thực tế bằng trí tuệ bất chấp mọi thành kiến, mọi gian khổ, mọi trở lực... ông là con người hiện đại ở điểm mọi nhận xét của ông đều có căn cứ và xây dựng trên một ý thức phê phán độc lập". Giáo sư đã trân trọng giới thiệu lời nhận xét của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nguyễn Trường Tộ như sau: "Ngày xưa, thời Tự Đức có ông Nguyễn Trường Tộ là một giáo dân yêu nước... Ngày ấy triều đình không lắng nghe ông ta. Giá như biết làm theo một số điều kiến nghị của ông thì đã bớt được nhiều khó khăn".